DS Lê Kim Phụng: Lợi ích kỳ diệu tỏi đen

Được phát triển từ những năm đầu thế kỷ 21 tại Hàn Quốc, sau đó là Nhật Bản, Trung Quốc, hiện nay, tỏi đen được sử dụng khá phổ biến và được công nhận về lợi ích dựa trên cơ sở là các công trình nghiên cứu khẳng định tính chất dinh dưỡng ấn tượng của nó.

Tỏi đen được chế biến bằng cách cho “lên men” toàn bộ củ tỏi tươi trong một môi trường được kiểm soát chặt chẽ bởi nhiệt độ và độ ẩm (nhiệt độ khoảng 65-800C trong 30 ngày), không có chất phụ gia, chất bảo quản, chỉ có tỏi nguyên chất. Sau khi ra khỏi nhiệt, các củ tỏi này còn phải được để ô-xy hóa tiếp trong một căn phòng sạch thêm 45 ngày. Quá trình kéo dài này làm cho tép tỏi chuyển sang màu đen và tạo ra hương vị ngọt ngào. Nhiều người cho rằng hương vị này sẽ gây ấn tượng ngay cả với những người không hề thích ăn tỏi. So với tỏi tươi, tỏi đen ít allicin nhưng lại tăng gấp đôi nồng độ chất chống ô-xy hóa. Trong quá trình lên men, nó tạo ra melanoidin và chất này làm cho tỏi có màu đen.

Tỏi đen được chế biến bằng cách cho “lên men” toàn bộ củ tỏi tươi trong một môi trường được kiểm soát chặt chẽ

Trước tỏi đen là bề dày lịch sử của tỏi tươi hay tỏi trắng, đã được sử dụng như một loại dược thảo từ thời Trung cổ cho đến thời kỳ hiện đại. Lợi ích của nó đã được quan sát và chứng minh một cách khoa học. Ghi chép lịch sử cho thấy, tỏi đã được dùng giúp lợi tiểu, trợ tiêu hóa, kháng sinh, chống ký sinh trùng, chống cảm lạnh, nhiễm trùng và nhiều loại bệnh khác. Các nhà khoa học cũng luôn tìm cách nâng cao giá trị của tỏi. Họ đã phát hiện ra rằng, mỗi tép tỏi có chứa gần 400 loại hợp chất khác nhau có tính tan trong dầu. Trong đó, quan trọng nhất là allicin.

Lợi ích của tỏi đen

Chống ung bướu

Năm 2007-2009, các nhà nghiên cứu Nhật Bản cho rằng, tỏi đen có hiệu quả làm giảm kích thước của khối u ở chuột thí nghiệm hơn tỏi tươi. Kết quả nghiên cứu đã được công bố trên Global Science Book và Medicinal and Aromatic Plant Science and Technology. Trong một nghiên cứu khác, nồng độ chất chống ô-xy hóa trong tỏi đen được tìm thấy cao gấp đôi lượng chất chống ô-xy hóa trong tỏi tươi và hàm lượng cao của chất s-allylcycteine giúp ức chế quá trình sinh tổng hợp cholesterol.

Bảo vệ tim mạch

Các nhà dinh dưỡng tin rằng, tỏi tốt cho tim nhờ làm giảm nồng độ homocysteine trong máu. Homocysteine là a-xít amin gây thiệt hại thành động mạch và tạo sự lắng đọng cholesterol. Nghiên cứu cho thấy tỏi làm tăng lưu thông máu nhờ sản xuất H2S. Tỏi chứa nhiều hợp chất lưu huỳnh có lợi trong việc duy trì mức huyết áp khỏe mạnh chống sự đông kết tiểu cầu. Lợi ích của tỏi đen tương tự như aspirin liều thấp.

Chống nhiễm trùng

Tỏi kích thích hoạt động bạch cầu theo yêu cầu của hệ thống miễn dịch để chống nhiễm trùng, chống virus và kháng nấm. Tỏi đã được sử dụng để điều trị vết thương nhiễm trùng, bệnh dịch tả và kiết lỵ.

Ổn định đường huyết

Lợi ích của tỏi đen đã được chứng minh là có lợi trong việc ổn định nồng độ đường trong máu, tốt cho người bệnh đái tháo đường nhờ tác dụng tăng cường sản xuất insulin.

Tỏi đen được chế biến bằng cách cho “lên men” toàn bộ củ tỏi tươi trong một môi trường được kiểm soát chặt chẽ bởi nhiệt độ và độ ẩm

Tỏi đen chứa nhiều chất vi lượng như man-gan, can-xi, phốt pho, selen, vitamin B6 và C, do đó, còn có lợi cho xương và tuyến giáp. Tỏi cũng giúp loại bỏ các kim loại nặng (như chì, thủy ngân, cadmium, arsenic) ra khỏi cơ thể.– Trên hệ tiêu hóa: Tỏi đen dễ hấp thu và giàu chất dinh dưỡng nên có thể giảm thiểu chứng đau dạ dày và rối loạn tiêu hóa.

Tài liệu Green Med Info đã tập hợp một danh sách các nghiên cứu chứng minh tác động tích cực của tỏi với 150 loại bệnh, bao gồm 4 nhóm chính sau:

  • Giảm viêm (giảm nguy cơ viêm xương khớp).
  • Tăng cường chức năng miễn dịch (kháng khuẩn, kháng nấm, kháng virus và chống ký sinh trùng).
  • Cải thiện sức khỏe tim mạch và tuần hoàn (chống đông máu, ngăn chặn mảng bám, cải thiện nồng độ mỡ máu, hạ cholesterol xấu, làm giảm huyết áp).
  • Chống lại 14 loại tế bào ung thư (bao gồm cả ung thư não, phổi, vú và tuyến tụy).

Thực tế cho thấy lợi ích của tỏi đen rất hiệu quả trong việc chống nhiều loại bệnh ung thư, có thể liên quan đến tác dụng chống ô-xy hóa mạnh của nó. Tỏi chứa allicin là một vũ khí chống ô-xy hóa mạnh nhất từ thực vật. Về mặt khoa học, các nhà nghiên cứu đã xác định rằng, a-xít sulfenic được sản xuất trong thời gian phân hủy allicin, phản ứng và trung hòa các gốc tự do nhanh hơn các hợp chất khác. Hiện nay, tỏi đen đã được chứng minh hiệu quả trên nấm Candida, tụ cầu vàng kháng Methicillin, bệnh lao kháng thuốc và thậm chí cả HIV.

Với người lớn tuổi, tỏi đen giúp tăng cường sức đề kháng, kháng khuẩn kháng viêm, ngừa đau tim, đau thắt ngực, xơ vữa động mạch, huyết áp cao, tiểu đường, giúp ngủ ngon, ngừa loãng xương

Tác dụng phụ

Do tác động chống ngưng kết tiểu cầu và hạ huyết áp của tỏi đen, những bệnh nhân đang dùng thuốc tiểu đường, huyết áp hoặc sắp phẫu thuật nên báo cho bác sĩ chuyên môn để có tư vấn chính xác. Riêng những phụ nữ đang sử dụng thuốc ngừa thai có chứa Estrogen, cần tránh dùng tỏi vì hoạt chất trong tỏi sẽ phá hủy tác dụng của kích thích tố này.

DS Lê Kim Phụng
Trường Đại học Nguyễn Tất Thành, TP. HCM

TIN MỚI NHẤT